Vụ Thu đông năm 2021, huyện Tân Hồng sẽ có trên 11.000ha lúa được gieo trồng trong vụ này. Sau khi thu hoạch lúa Hè thu, nông dân ở các xã Tân Thành A, Thông Bình, Tân Công Chí, Tân Phước, An Phước và Tân Hộ Cơ xuống giống vụ Thu đông ở những vùng có đê bao vững chắc trên 8.100, lúa đang trong giai đoạn mạ, làm đòng và trỗ chín. Nhận định trong vụ sản xuất Thu đông năm nay, tính rủi ro cao nên nông dân sử dụng các loại giống xác nhận, chất lượng cao, đồng thời áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật trên mãnh ruộng canh tác của mình, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cao.
Trên cánh đồng 320ha lúa Thu đông đã xuống giống hơn 10 ngày naycủa nông dân Tổ Hợp tác Tân Lập thuộc xã Tân Hộ Cơ, toàn bộ diện tích này được bà con xuống giống đồng loạt tập trung theo lịch khuyến của địa phương và sử dụng cùng loại giống OM 4900. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại của nông dân hiện nay là tình hình thời tiết diễn biến thất thường, giá cả phân bón vật tư, chi phí đầu vào tăng cao giữa mùa dịch CoVid 19… Anh Hà Văn Thảo, ngụ ấp Gò Bói, xã Tân Hộ Cơ cho biết: “Do thời tiết mưa gió bất lợi, gây ngập úng rất nhiều, nên thường xuyên khai thông vét mương, tập trung bơm nước ra tránh sạ đi sạ lại nhiều lần tránh bới chi phí. Giữa mùa dịch CoVid rất căng thẳng, do vậy bà con tất cả chi phí cũng như phân bón thuốc BVTV và công cáng đều tăng cao hết nên phải tính toán làm thế nào để giảm chi giảm giá thành để làm cho nó đạt”.
Cùng canh tác 1,5ha trên cánh đồng này, ông Lâm Quang Đúng, ngụ ấp Gò Bói, xã Tân Hộ Cơ cho biết: Sản xuất nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ thấy giá vật tư phân bón tăng cao như vậy, giá phân Urê, DAP tăng gần gấp đôi, các loại thuốc BVTV tăng trên 20%. Thêm nữa là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra nông sản khó và giá thấp. Trong khi đó, giá các loại phân bón không ngừng tăng cao ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đội giá thành sản xuất của nông dân. Ông Đúng chia sẻ: “Bây giờ anh em mới ngồi nhau bàn bạc mình phải giảm phân, lượng thuốc trừ sâu, chăm bón kỹ để kéo lại cái phần kia để mới có lợi nhuận. Vụ này nông dân rất tiết kiệm mình làm theo nguyên tắc 4 đúng, phân thuốc phải cân đối, nếu không cân đối thì dứt khoát không có ăn, do bà con ở đây hoàn toàn làm lúa không mua bán gì cả”.
Đến nay, nông dân Tân Hồng xuống giống trên 8.100 ha, đạt 74% kế hoạch, trong đó lúa giai đoạn mạ đến đẻ nhánh chiếm gần 7.000 ha, số còn lại đang làm đồng và trỗ.Về cơ cấu giống, nông dân sử dụng giống chất lượng cao như OM 4900,Đài thơm 8, Nàng hoa 9, OM 5451, Jasmine 85, OM 18…v.v. Bên cạnh, ngoài diện tích xuống giống theo quy hoạch của Huyện thì tại xã Bình Phú có 82ha nông dân xuống giống nằm ngoài kế khoạch, trong đó ấp Cả Găng 10ha và khu vực cánh đồng Bào Quế 72ha, do vùng đê bao này thấp chưa đảm bảo an toàn nếu lũ về sẽ gây thiệt hại cho bà con. Ông Đỗ Cao Chiếm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Huyện Tân Hồng khuyến cáo:“Vụ Thu đông xuống giống giai đoạn này ảnh hưởng của điều kiện thời tiết có 2 cơn bão cho nên quá trình sản xuất của bà con ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, làm cho một số diện tích lên thưa, tiến độ xuống guống cũng chậm lại. Vụ thu đông bà con cũng cần lưu ý một số đối tượng gây hại trên đồng ruộng, cuối giai đoạn đẻ nhánh đến làm đồng và trỗ chín thì bệnh cháy bìa lá thường xuyên xuất hiện và gây hại, nếu như mưa bão liên tục thì bà con chủ động thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện thì chủ động phòng trừ, nếu không thì ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng rất lớn. Thứ hai bệnh vàng lá chín sớm xuất hiện sau khi trỗ, bệnh này nếu chủ động phòng trừ thì sẽ bớt ảnh hưởng, còn nếu không chủ động thì chúng ta cứ đợi có lên mới xử lý thì lúc đó phòng trừ không cao”.
Ra đồng chăm sóc lúa và kiểm soát phòng chống dịch hại tốt, tuân thủ nghiêm các biện pháp khuyến cáo của ngành chuyên môn sẽ giúp nông dân hạn chế được rũi ro, đạt năng suất và đạt thắng lợi trong vụ sản xuất Thu đông này./.
tanhong.dongthap.gov.vn